Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang: 'Thành công của Bắc Ninh là nhờ hội tụ sức mạnh toàn dân'

Bắc Ninh là tâm điểm trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 và chịu ảnh hưởng nặng nề với diễn biến phức tạp liên quan đến các khu công nghiệp có hàng trăm nghìn công nhân. Nhưng nhờ hội tụ sức mạnh, đó là sự đồng tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, Bắc Ninh đã thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe của nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Dưới đây là chia sẻ của bà Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh với Báo Tiếng nói Việt Nam.

 

Bà Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh

                Thưa bà, mặc dù Bắc Ninh là tâm điểm trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 và chịu ảnh hưởng nặng nề với diễn biến phức tạp liên quan đến các khu công nghiệp có hàng trăm nghìn công nhân, nhưng Bắc Ninh đã chủ động “thế tấn công” với nhiều biện pháp linh hoạt để bảo vệ người lao động, bảo vệ “thành trì” sản xuất là các KCN,… Xin bà cho biết rõ hơn về những quyết sách quan trọng của Bắc Ninh để đạt được mục tiêu trên?

        Bắc Ninh và Bắc Giang là hai địa phương đầu tiên, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt dịch thứ 4, một đợt dịch được đánh giá là hết sức phức tạp, đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng. Dịch bệnh lần sau phức tạp, diễn biến khó lường hơn lần trước, hậu quả nặng nề hơn, cách xử lý khó khăn hơn, tác động xấu hơn.

        Tỉnh Bắc Ninh có 36 khu, cụm công nghiệp, trong đó có 10 khu công nghiệp (KCN) lớn của miền Bắc với tổng số 450.000 lao động đến từ 21 tỉnh, thành cả nước. Ước tính một ngày dừng sản xuất, giá trị sản xuất công nghiệp ở Bắc Ninh sẽ giảm 3.600 tỷ đồng chưa kể các dịch vụ thương mại khác. Thêm vào đó là gần nửa triệu công nhân, người lao động sẽ phải nghỉ việc, ở lại các khu nhà trọ với mật độ đông, khi đó còn rủi ro hơn về phòng chống dịch. Nếu đóng cửa tất cả, thì họ đều phải nghỉ việc, ở lại các khu nhà trọ với mật độ đông, khi đó còn rủi ro hơn về phòng, chống dịch. Chọn phương án đóng băng tất cả nền kinh tế để tập trung chống dịch, sẽ thuận lợi cho chính quyền, lực lượng tuyến đầu nhưng dẫn đến hệ lụy rất nghiêm trọng cho kinh tế không chỉ của tỉnh, mà còn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu vì trên địa bàn tỉnh có nhiều nhà máy nằm trong chuỗi cung ứng này như Samsung, Canon...

Chủ tịch Nguyễn Hương Giang tham quan nhà máy của công ty Hanpo Vina ở KCN Yên Phong mở rộng

        Tình thế trên đòi hỏi chúng tôi phải có quyết sách nhanh và phù hợp để vừa duy trì sản xuất mà vẫn chống dịch hiệu quả. Bắc Ninh đã đưa ra quyết định khó khăn là đưa cả trăm nghìn công nhân vào nhà máy làm việc. Để làm được điều đó, lãnh đạo Bắc Ninh đã tổ chức nhiều cuộc họp khẩn cấp, ban hành hàng trăm văn bản chỉ đạo để triển khai các biện pháp cấp bách nhằm chống dịch lây lan ra cộng đồng và các tỉnh, thành lân cận. Các khu dân cư liên quan đến ca nhiễm đầu tiên lập tức được cách ly y tế, đồng thời thực hiện truy vết thần tốc, xét nghiệm cho toàn dân trong các thôn, khu phố, người liên quan.

        Mặc dù chiến thắng dịch bệnh, và hơn 6 tháng đã trôi qua nhưng những mất mát, đau thương do dịch bệnh để lại vẫn vẹn nguyên trong ký ức của nhiều người dân Bắc Ninh. Nhiều người đã không được gặp mặt lần cuối chồng, cha, anh, bố mẹ của mình. Tuy nhiên, vượt lên tất cả đau thương mất mát đó, Bắc Ninh đã đúc rút kinh nghiệm hay và bài học quý qua các đợt chống dịch để kế thừa, phát huy những việc tốt, những việc gì đã làm được, cũng như chủ động, mạnh dạn triển khai các giải pháp quyết liệt, sáng tạo trong tình hình mới, để dần kiểm soát và khống chế dịch bệnh.

 “Bắc Ninh đã duy trì chiến lược chống dịch xuyên suốt theo 5 nguyên tắc chống dịch “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch” nhanh chóng ổn định tình hình và thực hiện triệt để phương châm “3 tại chỗ” và “2 địa điểm, 1 cung đường”.

        Để cuộc sống trở về trạng thái “bình thường mới”, tỉnh đã luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Y tế; Bám sát tình hình thực tế để nhanh chóng, kịp thời đưa ra những quyết định, chỉ đạo cụ thể, phù hợp, hiệu quả trong tổ chức thực hiện phòng, chống dịch. Cụ thể hóa trách nhiệm, gắn trách nhiệm cá nhân, kiên quyết xử lý mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống dịch bệnh để mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch…

        Chúng tôi luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp với quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu kép vừa ngăn chặn, đẩy lùi và phòng chống dịch bệnh đảm bảo sức khỏe của nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế.

                Năm 2020 bà đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, cũng là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh với khả năng lây nhiễm nhanh và nguy hiểm tại địa phương. Bà có thể chia sẻ về quãng thời gian đầy cam go này?

                Hai năm vừa qua, tỉnh Bắc Ninh luôn coi công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Tôi và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều nhận thức rõ từ thực tiễn chống dịch thì đợt dịch sau bao giờ cũng diễn biến phức tạp và khó lường hơn đợt dịch trước. Từ đó, công tác phòng chống dịch của tỉnh được yêu cầu phải đặt ở mức sẵn sàng cao nhất để có thể ứng phó với những tình huống dịch bệnh xảy ra.

          Để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe của nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế là hết sức khó khăn, vất vả. Song, càng khó khăn phải càng quyết tâm, cố gắng phòng chống dịch. Chúng tôi xác định làm việc không có ngày nghỉ, chủ động theo dõi, bám nắm địa bàn, cập nhật thông tin 24/24 cũng như thường xuyên kiểm tra công tác phòng chống dịch ở cơ sở để kịp thời chỉ đạo, điều hành với diễn biến dịch mới phát sinh. Tuy nhiên, không chỉ cá nhân tôi và các đồng chí lãnh đạo tỉnh cố gắng hết mình mà cả hệ thống chính trị tỉnh đã tích cực vào cuộc với trách nhiệm cao nhất, vì sức khỏe của nhân dân và sự ổn định của doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn nhất. Chúng tôi cũng chia sẻ những khó khăn với đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, những chiến sĩ tuyến đầu trên mặt trận chống dịch. Họ thực sự là những người hùng trong cuộc chiến đầy cam go và thử thách này.

          Nhiều công ty đa quốc gia đang có mặt tại các KCN ở Bắc Ninh. Hay nói cách khác, Bắc Ninh tham gia khá sâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Dịch Covid-19 đe dọa đứt gãy chuỗi cung ứng này. Để các đối tác không rời đi, các đơn hàng không rơi vào tay các “đối thủ” khác, Bắc Ninh có các giải pháp ứng phó như thế nào, thưa bà?

Thời gian tới, Bắc Ninh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh: Thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân; tận dụng tốt các cơ hội, vượt qua khó khăn, nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng bền vững, tạo sức lan tỏa; đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc triển khai những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Chủ tịch Nguyễn Hương Giang tham quan nhà máy của công ty Hanpo Vina ở KCN Yên Phong mở rộng

Đặc biệt, Bắc Ninh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả mô hình Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp “3 nhất”; Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tỉnh Bắc Ninh; điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh; Các sở, ngành, địa phương tiến hành rà soát, cập nhật quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành lĩnh vực có liên quan, thực hiện công khai theo quy định làm cơ sở thu hút nhà đầu tư; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư trực tuyến thông qua các đầu mối từ Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, đại sứ quán,... giúp Bắc Ninh kết nối với các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm; Tiếp tục quán triệt thu hút đầu tư gắn với định hướng kinh tế tri thức, sản xuất công nghệ cao, phát triển bền vững trên cơ sở chọn lọc các dự án theo tiêu chí “2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng”: Sử dụng ít đất, ít lao động; suất vốn đầu tư cao, hiệu quả cao và hàm lượng công nghệ cao; sẵn sàng về mặt bằng, sẵn sàng về nguồn nhân lực, sẵn sàng cải cách và sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư.

Như vậy có thể nói, Bắc Ninh đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế và đạt nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Theo bà đâu là yếu tố đưa đến thành công này? Và định hướng phát triển thời gian tới?

Tuy chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt dịch thứ 4, nhưng Bắc Ninh sớm triển khai thực hiện kiểm soát dịch, thích ứng linh họa. Đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh của tỉnh đã được kiểm soát, hoạt động sản xuất cơ bản đã khôi phục ở trạng thái bình thường mới. Thành quả này có được là nhờ hội tụ sức mạnh, đó là sự đồng tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, vai trò lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã được thể hiện rõ nét qua kết quả công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua của tỉnh Bắc Ninh. Để tiếp tục phát huy thành công này, chúng tôi đề ra các định hướng chính:

Thứ nhất, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, kiên định thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo giữ vững, không để đứt gãy các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tại các KCN tập trung, các tập đoàn, doanh nghiệp trong các chuỗi sản xuất kinh doanh toàn cầu. Tiếp nhận, quản lý và sử dụng vaccine phòng Covid-19 hiệu quả (ưu tiên các đối tượng tham gia hoạt động sản xuất), hướng tới tiêm phòng bao phủ toàn dân. Đây được xác định là giải pháp then chốt, quan trọng nhất để khôi phục và phát triển kinh tế địa phương sau ảnh hưởng của dịch bệnh.

Thứ hai, thu hút và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, nâng cao năng lực cạnh tranh của làng nghề, doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh. Thực hiện hiệu quả đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp tập trung VSIP 2; Yên Phong 2C; Nam Sơn - Hạp Lĩnh…

“Tỉnh Bắc Ninh có nhiều nhà đầu tư nước ngoài, do đó, việc chống dịch, đảm bảo nguồn cung lao động, khôi phục nhanh sản xuất có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với hình ảnh địa phương mà còn có ý nghĩa chung tạo môi trường kinh doanh ổn định của quốc gia”.

Thứ ba, tích cực cải thiện, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi; đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các chính sách ưu đãi, tham gia các cụm liên kết ngành trong chuỗi giá trị. Đồng thời, có cơ chế, chính sách hỗ trợ tối đa về thuế, tín dụng,… cho doanh nghiệp, người dân nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng dịch bệnh. Trong đó, quan tâm giải quyết những đề xuất, kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để doanh nghiệp đảm bảo kế hoạch sản xuất, hợp đồng đã ký kết.

Thứ tư, tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nhất là đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm, có tính liên kết, phát triển vùng và hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật quan trọng, đặc biệt là tiến độ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tạo điều kiện dẫn dắt các hoạt động phát triển; tiếp tục thực hiện các định hướng xây dựng vùng tỉnh, tập trung đầu tư các tiêu chí còn thiếu, các công trình hạ tầng, phát triển đô thị đồng bộ, đáp ứng các tiêu chí trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại.

Trân trọng cảm ơn bà!

Ánh Phương (thực hiện)

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận